Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài)
Đề: Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.
(Hoặc phân tích nhân vật Mị và A Phủ để làm rõ giá trị nhân đạo của tác phẩm)
HƯỚNG DẪN:
I. MỞ BÀI
Tô Hoài là nhà văn có nhiều cống hiến cho nền văn học Việt Nam hiện đại cả hai giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám. Ông nổi tiếng với nhiều tác phẩm nhưng tiêu biểu nhất là “Dế mèn phiêu lưu ký” và “Vợ chồng A Phủ”. Truyện “Vợ chồng A Phủ” sáng tác năm 1952, in trong tập “Truyện Tây Bắc”. Thông qua cuộc đời hai nhân vật Mị và A Phủ, tác phẩm đã để lại tinh thần nhân đạo sâu sắc, mới mẻ thấm đượm trên mỗi trang sách của Tô Hoài.
II. THÂN BÀI
1. Khái quát: Truyện “Vợ chồng A Phủ” được nhà văn Tô Hoài được in trong tập “Truyện Tây Bắc”. Tác phẩm gồm hai phần: phần đầu trích học trong sách giáo khoa là phần nói về cuộc sống đầy tủi nhục của Mị và A Phủ trong nhà thống lý Pá Tra ở Hồng Ngài, kết thúc bằng việc Mị cắt đứt dây trói cứu A Phủ trốn khỏi Hồng Ngài. Phần sau là cuộc sống mới của Mị và A Phủ ở Phiềng Sa. Họ theo Cách mạng giải phóng quê hương.
Giá trị nhân đạo là một giá trị cơ bản của tác phẩm văn học chân chính. Nó được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc đối với nỗi đau khổ của con người, sự nâng niu, trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn con người và lòng tin vào khả năng vươn dậy của họ, đồng thời lên án những thế lực tàn bạo, đen tối chà đạp lên quyền sống, ước mơ hạnh phúc và phẩm giá của con người.
2. Nội dung cần phân tích, làm rõ:
a. Biểu hiện thứ nhất của giá trị nhân đạo trong tác phẩm này trước hết được toát lên từ niềm cảm thông sâu sắc của Tô Hoài đối với những số phận bất hạnh, bị tước đoạt quyền sống, bị lăng nhục, đày đọa mà tiêu biểu là Mị và A Phủ. Hai sự sống trẻ trung bị đày đọa khủng khiếp trong tù ngục nhà thống lí Pá Tra đang bị chết dần, chết mòn vì khổ đau. Mị – cô gái trẻ đẹp, mơn mởn như bông hoa rừng nhưng bị bắt cóc về làm con dâu gạt nợ nhà thống lý. Dưới mấy tầng áp bức của cường quyền, thần quyền, lễ giáo, hủ tục phong kiến miền núi. Mị sống âm thầm vật vờ như chiếc bóng, cứ “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Khi thì tưởng “mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa”. Bởi Mị sống mà hầu như mọi quyền lợi bị tước đoạt. Mang tiếng là con dâu nhưng Mị lại là con dâu gạt nợ. Là con nợ hơn là con dâu. Là con nợ nên Mị thành nô lệ để “Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay. Cuối mùa thì đi nương bẻ bắp…lúc nào cũng cài một bó đay ở trong tay để tước thành sợi. Suốt năm, suốt đời như thế”. Bị bóc lột sức lao động đã đành, Mị lại còn bị tước đoạt tuổi xuân, hạnh phúc, bị thần quyền áp chế. Nơi Mị sống chỉ độc “một ô cửa sổ, một lỗ vuông bằng bàn tay trông ra ngoài không biết sương hay là nắng”. Đó là chốn địa ngục trần gian mà tên chồng A Sử đã trói buộc Mị vào đó, vùi dập tuổi xuân của Mị ở đó.
A Phủ, một chàng trai khỏe mạnh, gan bướng, sống cuộc sống hồn nhiên, phóng khoáng của tuổi trẻ yêu đời, lao động giỏi. A Phủ không nợ nần gì nhà thống lí mà rốt cục cũng biến thành kẻ trừ nợ suốt đời bị đánh đập, bị trói buộc một cách thảm khốc đến mức gần như tê liệt cả sức phản kháng. Cảnh xử kiện tàn bạo như thời trung cổ được Tô Hoài vẽ nên bằng một trang giấy mà ở đó sự tàn nhẫn, độc ác đã lên ngôi. A Phủ bị đánh đập gần như cả ngày: “đầu, đuôi mắt giập chảy máu” nhưng “chỉ quỳ và im như cái tượng đá”. Đến cả cái cảnh vì để hổ bắt mất một con bò, A Phủ phải bị trói đứng lên cái cột với dây mây quấn từ chân lên đến cổ. Phải chờ chết một cách vô lý trên cái cọc ấy giữa đêm đông rét mướt nếu không có bàn tay cứu giúp của Mị và tấm lòng nhân đạo cao cả của nhà văn.
b. Biểu hiện thứ hai của tư tưởng nhân đạo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ còn toát lên từ sự tố cáo gay gắt thế lực phong kiến miền núi tàn bạo đã chà đạp lên quyền sống của nhân dân lao động Tây Bắc mà tiêu biểu là Mị và A Phủ. Chúng đã lợi dụng chính sách cho vay nặng lãi để nô lệ hóa con người mà Mị và A Phủ chính là nạn nhân của chúng. Mị và A Phủ từ là những đóa ban rừng mơn mởn, yêu tự do, giàu tài năng nhưng vì món nợ mà họ đã trở thành những kẻ nô lệ suốt đời bị đối xử như con vật. Nợ là sợi dây trói buộc thể xác của Mị và A Phủ vào nhà thống lý nhưng thần quyền mới là sợi dây trói oan nghiệt nhất đã trói buộc tinh thần Mị và A Phủ vào nhà thống lý. Họ đã bị thần quyền làm cho tê liệt về ý thức phản kháng, trở thành những con người cam chịu kiếp sống trâu ngựa. Không chỉ vậy, chúng còn dùng cường quyền, hủ tục và những thủ đoạn bóc lột tàn nhẫn để thỏa mãn sự độc ác. Mị bị bóc lột lao động tàn tệ chỉ biết chúi đầu vào công việc cả đêm cả ngày “suốt năm, suốt đời như thế”. Bị A Sử trói đứng vào cột trong đêm tình mùa xuân chỉ vì Mị muốn đi chơi. A Phủ thì quanh năm chỉ rong ruổi ngoài bìa rừng chăn bò chăn ngựa đến nỗi quên cả việc về thăm làng cũ. Bị trói đứng vào cột chờ chết, thế mạng mình cho mạng của con bò. Qua những số phận ấy, ngòi bút Tô Hoài đã vạch trần bộ mặt tàn bạo của cha con nhà thống lý. Mang đến cho người đọc “tập hồ sơ tội ác” về tội ác tày trời của giai cấp chủ nô phong kiến miền núi ở Tây Bắc trước khi có cách mạng về.
c. Biểu hiện thứ ba của giá trị nhân đạo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ là việc nhà văn phát hiện và nâng niu trân trọng trước những vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất cao đẹp của nhân vật Mị và A Phủ.
Trước hết, nhà văn phát hiện và nâng niu trân trọng trước vẻ đẹp của nhân vật Mị. Mị là cô gái trẻ đẹp, giàu tài năng “Mị thổi sáo hay, thổi lá cũng hay như thổi sáo”. Có tấm lòng hiếu thảo với cha già. Khi bị bắt về làm dâu gạt nợ nhà thống lý, dù cuộc sống nhiều khổ cực, khổ như trâu ngựa nhưng trong Mị luôn ẩn chứa sức sống tiềm tàng mãnh liệt, sức phản kháng mạnh mẽ. Tất cả đã được ngòi bút Tô Hoài trân trọng, nâng niu qua từng phát hiện.
Trong đêm tình mùa xuân, sức sống ấy như ngọn lửa bùng cháy dữ dội. Khi nghe tiếng sáo vọng lại “thiết tha bổi hổi”, Mị đã sống lại những phút giây tuổi trẻ ngày nào. Đó là lúc tài năng âm nhạc trong Mị được đánh thức “Mị ngồi nhẩm thầm lời người đang thổi sáo”. Hành động ấy nói lên bao điều. Bấy lâu nay, cô Mị câm lặng, vô cảm, ấy thế mà hôm nay bỗng được sống dậy. Bài hát cũ lâu rồi không hát, điệu sáo ấy lâu rồi không thổi nhưng Mị vẫn nhớ, Mị không quên nghĩa là sức sống trong Mị chưa nguội tắt mà vẫn âm ỉ như hòn than trong lớp tro tàn.
Cũng trong đêm tình ấy, ngòi bút Tô Hoài còn chứng kiến được hình ảnh một cô Mị nổi loạn cùng men rượu cay đêm tình. Rượu đã đưa Mị từ cõi quên về với cõi nhớ, rượu và tiếng sáo ngất ngây gọi bạn tình đã làm Mị nhận ra “Mị trẻ lắm. Mẹ còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Khát vọng ấy, là khát vọng của con người yêu tự do, khát vọng tự do mãnh liệt. Và hành động “Mị cuốn lại tóc. Mị với tay lấy chiếc váy hoa vắt ở phía trong vách… Mị rút thêm cái áo” đã cho thấy sự bứt phá của Mị với bản năng sống mãnh liệt bất chấp cả cường quyền, thần quyền. Ngay cả khi bị A Sử trói đứng vào cột “tóc Mị xõa xuống hắn cuốn luôn tóc Mị lên cột làm cho Mị không cúi không nghiêng được đầu nữa”. Nhưng Mị vẫn thản nhiên, Mị không hề biết mình đang bị trói, thậm chí khi tiếng sáo nhập vào hồn Mị, Mị đã “vùng bước đi”. Điều đó cho thấy, sức sống tinh thần trong Mị đã lớn dậy, nó đã lấn át cả nỗi đau về thể xác. Cũng có nghĩa là bóng ma thần quyền, cường quyền đã khuất phục trước sức sống ấy của Mị.
Sức sống mãnh liệt ấy lại một lần trỗi dậy trong đêm cứu A Phủ. Lúc đầu, Mị dửng dưng vô cảm trước cái chết cận kề của A Phủ. Nhưng sau đó, dòng nước mắt của A Phủ “bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” đã thức dậy lòng thương người trong Mị. Lòng thương người ấy đã làm sống dậy trong Mị sức phản kháng mạnh mẽ. Nếu nói đêm tình mùa xuân là “tia lửa nhỏ” thì đêm cứu A Phủ là “đám cháy lớn”. Đám cháy ấy bùng lên khi Mị nhận thức được tội ác cha con nhà thống lý “Trời ơi chúng trói người ta đến chết thì thôi, chúng nó trói chết người đàn bà ngày trước cũng ở trong cái nhà này. Chúng nó thật độc ác”. Nhận thức ấy là nhận thức hoàn toàn bằng lí trí, bằng sự tỉnh táo. Từ nhận thức ấy mà sự nổi loạn thứ hai của Mị mới thật là mong muốn của người đọc. Mị đã cắt đứt dây trói cho A Phủ. Rồi Mị cũng vụt chạy theo A Phủ vì theo Mị “Ở đây thì chết mất”. Hơn một lần trong truyện này Mị sợ chết. Lần đầu là thức dậy sau đêm bị trói nghĩ đến người đàn bà đời trước bị trói đến chết trong căn nhà này “Mị sợ quá. Mị cựa quậy xem mình còn sống hay là đã chết”. Lần thứ hai là lúc Mị cắt đứt xong dây trói cho A Phủ. Như vậy, sợ chết là biểu hiện cao độ nhất của lòng ham sống. Đó là vẻ đẹp sức sống tiềm tàng của con người lao động Tây Bắc và niềm tin của nhà văn vào khả năng vươn dậy của nhân vật.
Bên cạnh đó, nhà văn Tô Hoài còn nhìn thấy bản chất đẹp đẽ của A Phủ, một chàng trai của núi rừng tự do. Anh yêu lao động, giỏi giang: “biết đúc lưỡi cày, biết đục cuốc, lại cày giỏi và săn bò tót rất bạo…”. A Phủ rất khỏe, chạy nhanh như ngựa. A Phủ đã trở thành niềm khát khao của bao cô gái trong làng “ Lấy được A Phủ là bằng được con trâu tốt trong nhà”. Nhưng A Phủ nghèo nên không lấy được vợ. Tuy vậy, vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn, A Phủ vẫn sống một đời sống tâm hồn phóng khoáng, hồn nhiên, yêu đời, yêu chính nghĩa, tự tin của tuổi trẻ. “Đang tuổi chơi, trong ngày Tết đến, dù chẳng có quần áo mới như nhiều trai làng khác, A phủ chỉ có độc một chiếc vòng trên cổ. A Phủ cũng cứ cùng trai làng đem sáo, khèn con quay và quả pao đi tìm người yêu ở các làng trong rừng”. Trong cảnh xử kiện, dù bị đối xử tàn tệ nhưng A Phủ chỉ quỳ và “im như tượng đá” đó là bản tính gan góc rất đáng quý. Lúc được Mị cứu, dừ đã kiệt sức nhưng A Phủ đã “quật sức vùng lên chạy”. Phải chăng ở con người đó luôn tiềm ẩn lòng yêu đời, khát sống, khát tự do. Có lẽ vì vậy mà khi sang Phiềng Sa, A Phủ đã nhanh chóng trở thành tiểu đội trưởng du kích, cùng Mị giải phóng quê hương.
d. Biểu hiện sau cùng của tư tưởng nhân đạo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ là việc nhà văn đã chỉ ra con đường giải phóng thực sự của người lao động là đi từ tự phát đến tự giác. Mị và A Phủ từ tăm tối đau thương đã vươn lên ánh sáng của tự do và nhân phẩm. Họ đã cùng nhau đạp qua đêm tối, vươn đến ngày mai ở Phiềng Sa, nên vợ nên chồng. Cả hai người đã theo Cách mạng, theo Đảng, đánh giặc, bảo vệ quê hương và thay đổi số phận của mình. Cũng qua đó, tác giả đã bày tỏ thái độ bênh vực quyền sống của con người và là bài ca ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người lao động, đặc biệt là sức sống tiềm tàng và hành động tự giải phóng của nhân vật, đồng thời đặt niềm tin và sự trân trọng, nâng niu đối với khát vọng sống tốt đẹp của con người dù bị đày đọa đau khổ.
3. Giá trị nghệ thuật của tác phẩm: Bên cạnh giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo, “Vợ chồng A Phủ” còn có những thành công đặc biệt về phương diện nghệ thuật. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo. Miêu tả phong tục, tập quán, phong cảnh thiên nhiên sinh động. Nghệ thuật kể truyện sinh động, tự nhiên, hấp dẫn. Ngôn ngữ tác phẩm rất tinh tế, mang đậm màu sắc miền núi và thực sự đã để lại dấu ấn của Tô Hoài.
III. KẾT BÀI
Tóm lại, “Vợ chồng A Phủ” mang ý nghĩa tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Nó được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc với nỗi đau của con người, sự nâng niu nét đẹp tâm hồn mà hơn cả là sự hướng tới giải phóng cho con người tiêu biểu là số phận của Mị và A Phủ. Chính vì những giá trị nhân văn cao đẹp ấy mà nửa thế kỷ trôi qua , tác phẩm của Tô Hoài ngày một thêm sáng giá.