Trước khi mất, vua Tự Đức có di nguyện gì?
Trước khi băng hà ngày 19.7.1883 (lúc 53 tuổi), vua Tự Đức đã trải qua thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Việc tìm người kế nghiệp chống Pháp để tiếp tục công cuộc giữ nước cũng khó khăn trước những biến cố diễn ra dồn dập trong tháng 7.1883.
Nắm được tình hình sức khỏe ngày càng xấu của vua Tự Đức, trong lá thư gởi cho Toàn quyền Nam kỳ ngày 10.12.1882, Tổng trú sứ Rheinart viết: "Có một điểm rất cần chú ý, đó là, sau khi vua Tự Đức băng hà, chúng ta (phía Pháp) phải chính là người thực hiện di chúc của nhà vua. Biến cố này đối với chúng ta (nước Pháp) sẽ cực kỳ quan trọng nhưng chúng ta vào vai những người thực hiện di chúc sẽ rất khó khăn, chúng ta phải tước lấy bằng được tư cách (thực hiện di chúc) như thế từ tay các quan đại thần (của triều đình Huế)".
Theo tác phẩm Kho báu kinh thành Huế sau ngày thất thủ kinh đô của Francois Thierry (dịch giả Lê Đức Quang chuyển ngữ và viết lời bạt, Thái Hà Books và NXB Hà Nội ấn hành): "Chỉ huy Rivière đặt chân đến Hà Nội ngày 2.4.1882. Chiến dịch phía Pháp gây bất an lớn cho triều đình Huế, thêm vào đó, tình trạng sức khỏe của vua Tự Đức trầm trọng nhiều tháng rồi. Đại thần Nguyễn Văn Tường tức thì gợi ý nhiều khả năng để đấu dịu với người Pháp, đặc biệt ông đề nghị việc giải giáp thành Hà Nội. Thực tế là, trong lúc Rheinart đang thương thuyết với Nguyễn Văn Tường thì lực lượng phía Việt Nam đang củng cố đồn lũy phòng thủ được đánh giá là hết sức tầm cỡ ở cảng Thuận An".
Điều đáng lo lắng là trong lúc mọi thứ đang "dầu sôi lửa bỏng" thì nhà vua lại đang bệnh nặng. Việc ai kế vị cũng chưa có một quyết định ngã ngũ. "Từ ba tháng nay, nhà vua An Nam bị phù thũng toàn thân và nằm liệt giường. Ngày 17.7, vua triệu tập ba vị đại thần của nội các. Các ông Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết để thông báo di nguyện của nhà vua về người kế nghiệp", sách đã dẫn viết.
Vì sao nghĩ đến Ưng Đăng nhưng vua Tự Đức lại chọn hoàng tử Ưng Chân?
Theo tác giả Francois Thierry: "Ban đầu nhà vua đã nghĩ đến Ưng Đăng, một người cháu và con nuôi của vua, sẽ đủ sức đảm đương vương quyền nhưng sau đó ngài lại thấy vị này còn quá trẻ để nắm giữ quyền bính vương triều, trong một tình thế khó khăn với những biến cố đang dồn dập diễn ra vào tháng 7.1883. Nhà vua phải quay sang chỉ định người kế vị sẽ là một trong những người cháu nuôi khác, là hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Chân, có tên gọi khác theo dinh cơ riêng là Dục Đức. Nhân vật sau này không phải là con người đúng thời đúng lúc, vì có lối sống dễ dãi với nhiều hành vi thái độ suồng sã... Nhưng Dục Đức có ưu điểm là đã 34 tuổi, mà vương quyền lại đang cần một vị vua trưởng thành".
Cuối cùng, trước khi mất, vua Tự Đức cũng đã sắp xếp xong cho người kế vị mình là Dục Đức. Vua Dục Đức còn được hỗ trợ về tinh thần từ Hoàng Thái Hậu Từ Dũ - mẹ vua Tự Đức và Đệ nhất Hoàng hậu Trang Ý, để có thể tránh những hiểm họa khôn lường cho một giai đoạn chuyển tiếp ngôi vị đầy bất trắc. Vì vậy, vua còn giao cho các quan phụ chánh như Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cùng hoàng tử Thọ Xuân và hoàng tử Tuy Lý, trở thành những vị giám sát của Hội đồng Hoàng tộc.
Trong di chiếu truyền ngôi có đoạn nhà vua lo lắng viết: “Ưng Chân có tật ở con mắt nên hành vi mờ ám, sợ sau này thiếu sáng suốt, tính lại hiếu dâm cũng là điều chẳng tốt, chưa chắc đã đảm đương được việc lớn. Nước có vua lớn tuổi là điều may cho xã tắc, nếu bỏ đi thì biết làm sao đây?” (Nguyễn Phúc tộc thế phả, 1995, tr. 371).
Cũng theo sách Kho báu kinh thành Huế sau ngày thất thủ kinh đô của Francois Thierry, lúc này vua Tự Đức giao ông Hoàng Tá Viêm toàn quyền chỉ huy quân sự ở Bắc bộ, thăng cho ông chức Tổng thống quân vụ Bắc kỳ. Ngày 19.7.1883, vua Tự Đức băng hà, chấm dứt những ngày tháng chống chọi đau đớn với bệnh tật và cũng lo lắng xong người kế vị thay mình.