IELTS có thực sự là chứng chỉ 'toàn năng'?
Chạy theo “cơn sốt” xét tuyển thẳng vào đại học bằng IELTS, không ít phụ huynh và học sinh đã đổ xô đăng ký tại các “lò” luyện thi với các chiến thuật đi “đường tắt”. Điều này gây tốn kém lượng lớn tiền bạc và thời gian, đồng thời tạo cho dư luận cái nhìn tiêu cực về tấm bằng IELTS.
Chứng chỉ "toàn năng" hay thực chất chỉ là một "gánh nặng"?
Hiện nay, việc sở hữu IELTS ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường không những giúp các bạn trẻ tiếp cận với kho tàng kiến thức rộng lớn, hiện thực hóa ước mơ du học, mà còn có cơ hội nhập học trực tiếp trường danh tiếng. Được biết, năm 2023, Việt Nam có tới 40 trường đại học công bố xét tuyển thẳng nếu có bằng IELTS từ 4.0 - 6.5, chưa tính nhiều trường xét tuyển IELTS kết hợp với điều kiện khác.
Thế nhưng, mong muốn trở thành công dân toàn cầu dường như đã bị "chủ nghĩa thành tích" làm cho sai lệch. Hòa chung "sức nóng" của hình thức xét tuyển này, không ít cha mẹ đã mạnh tay chi hàng chục triệu đồng cho con luyện thi IELTS theo xu hướng. Nhiều bạn trẻ cũng rơi vào hội chứng FOMO (sợ bỏ lỡ), "cố đấm ăn xôi" để lấy bằng được chứng chỉ này mà không thực sự hiểu mục đích học cuối cùng là gì. Nắm bắt được tâm lý của phụ huynh và học sinh, một số "lò" luyện thi IELTS trên thị trường hiện nay chỉ chú trọng đi "đường tắt" với nhiều chiến thuật "học tủ, học vẹt" mà không xây dựng nền tảng kiến thức bền vững cho người học.